Monday, July 9, 2012

Về giồng ăn... côn trùng

Tháng ba, tháng tư, không khí oi nồng. Một vài cơn mưa trút xuống. Đất giồng khô khát, nhanh chóng uống những dòng sữa mật, cỏ xanh lún phún mọc lên. Đó là mùa sinh sản và phát triển của những con dế cơm. Mùa dế rộ, sau cơn mưa đêm, sáng sáng, mấy cô cậu học sinh không có giờ học, những người nông nhàn tụm năm tụm ba xách giỏ tre đan dầy đi bắt dế. Nơi đất giồng, người ta đổ nước vào hang cho dế ngộp chun lên, còn nơi đất thịt thì lật đất ở các bờ mẫu hoặc vạch chân đống rơm sẽ thu hoạch bộn bàng.

Sa mưa cũng là mùa đuông đất sinh sôi nảy nở. Đuông đất giống đuông chà là nhưng nhỏ hơn và ngắn hơn (cỡ hai đốt ngón tay giữa), sống trong lòng đất. Trong một thời gian ngắn, đuông đất trở thành bọ rầy. Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung nhưng to cỡ ngón tay cái người lớn. Muốn bắt chúng, người ta thường nhặt phân bò, phân trâu khô un cho khói tỏa lên trời. Lát sau, chúng bay đến, vần vũ trong đám khói, cầm chổi huơ đập chúng rớt xuống đất, bắt bỏ vào giỏ. Ở Tịnh Biên (An Giang) người ta dùng đèn bình dụ bọ rầy đến, bắt đem ra chợ bán, giá 10.000đ – 15.000đ/100 con.


Dế cơm bắt được dùng kéo cắt bỏ ngoe, cắt cánh, ngắt đít rút bỏ ruột, bỏ túi hôi sau gáy, để nguyên đầu. Bọ rầy ngắt hết chân, ngắt đít rút bỏ ruột, cắt bỏ cánh cứng và cánh lụa. Đuông đất ngắt đít rút ruột. Phải làm cho khéo, tránh làm cho các con côn trùng bị bể, giập. Cho tất cả vào thau nước muối (nước lạnh cũng được) ngâm, rửa sạch rồi nhét đậu phộng (nếu nhét hột điều càng ngon) vào bụng chúng, đem chiên. 

Mùi dế (hoặc bọ rầy, đuông đất) thơm lừng tỏa trong không gian. Nếu ăn dế thì cầm hai ngoe sau, cho đầu dế vào miệng, cắn chừa ngoe, hột đậu phộng “nổ” trong răng, vui tai. Nhai chầm chậm, lắng nghe thịt chúng giòn giòn, dai dai, bùi bùi thấm vào chân răng. Cái nóng, cái giòn của món ăn sẽ càng ngon hơn khi trời đổ cơn mưa lạnh. Muốn ngon hơn nữa, người ta lăn bột chúng rồi đem chiên giòn. Ở Tịnh Biên, bọ rầy được chế biến thành món ngon hơn: Thịt nạc bằm cùng đậu phộng rang nhét vào bụng bọ rầy (ngắt bỏ mỏ) xào mỡ đường, nêm chút bột ngọt và muối mắm, không cần nước chấm. 

Dù chiên “suông” hay chiên có dồn đậu phộng – hột điều, lăn bột, các con côn trùng này vẫn là “mồi bén”, chấm muối tiêu chanh, rất “bắt” khi uống bia hay rượu ngâm trái quách – đặc sản đất giồng Cầu Kè, Trà Vinh. Ở Cầu Kè, đặc sản mang phong vị thời khẩn hoang này có mặt trong suốt mùa mưa, bán duy nhất tại quán Bảy Sậm (do vợ ông là Trần Thị Đen phụ trách) ở Hòa Tân (cách bệnh viện huyện vài trăm mét), giá khoảng 500đ/ con đã chiên. Dế sống dao động từ 200đ – 250đ/con.

Dế có mặt ở nhiều địa phương. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, người ta nuôi dế bán cho các hàng quán. Nhưng đuông đất và bọ rầy thì chỉ xuất hiện trong một thời gian rất ngắn của những ngày đầu mùa mưa ở một vài địa phương đất giồng, nên rất “quý”. Có thể nói đuông đất là đặc sản Nam bộ sau đuông chà là.
 
PHƯƠNG KIỀUhttp://www.metinfo.vn/blog/
(Ghi chú: bài viết năm 2007)

Link to full article

No comments:

Post a Comment