Đã lên tới thủ phủ Cao Bằng mà không tới thác Bản Giốc là điều đáng tiếc, còn nếu đã tới đệ nhất thác mà không du ngoạn theo con đường Tổng Cọt men biên giới thì càng đáng tiếc hơn. Dù tới được những địa danh đó vốn không mấy dễ dàng.
.
Chỉ rời khỏi địa phận thành phố Cao Bằng vài cây số, cung đường lên Trùng Khánh đã hứa hẹn vô số gian truân khi ngoằn ngoèo men qua sườn núi, băng qua những vực tuy không sâu lắm nhưng đủ làm mướt mồ hôi các tay lái miền xuôi.
Phở vịt quay và du lịch
.
Cung đường 80km băng qua những địa danh rất lãng mạn như Vu Sơn, Đàm Thuỷ, Cảnh Tiên…, cộng thêm màu lam của núi rừng càng làm cảnh sắc thêm hữu tình.
Không còn nguyên vẹn một thị trấn Trùng Khánh cổ xưa song vẫn còn rải rác những căn nhà cổ, tường đất hoặc xây gạch, mái lợp ngói âm dương, rêu phong phủ kín nằm xen kẽ trong các khu phố dựng theo lối mới, khá hỗn tạp về kiểu dáng và tầm cao.
Miền đất này từ xưa vẫn nổi tiếng với hai món phở vịt quay và hạt dẻ, món nào cũng đượm phong vị riêng, thơm ngon tới lâm ly, đủ để nhớ mãi dù chỉ một lần nếm thử. Hạt dẻ Trùng Khánh từ nhiều năm nay đã tràn ngập các đường phố Hà Nội, nhưng phở vịt quay thì duy chỉ ngồi giữa thị trấn miền cao này, nếm miếng thịt vịt quay thơm phức hương mắc mật mới cảm nhận được hết sự quyến rũ của món ăn.
Một tô phở đủ để nhớ và thèm, một cung đường thừa thãi cảnh sắc hoang sơ. Càng lên gần thác Bản Giốc, đường càng xấu, tệ hại với hàng trăm ổ voi ổ gà bùn lầy nước đọng. Nhưng đã tới được đệ nhất thắng cảnh Cao Bằng thì những mệt nhọc đường trường sẽ tan biến trước một màn nước hùng vĩ tuôn đổ sục sôi hiện ra trước mắt.
Nhìn qua bên kia sông, thuộc đất Trung Quốc, san sát các công trình phục vụ du lịch và những chiếc thuyền chở khách tham quan của họ đi lại liên tục trên sông. Theo hiệp định biên giới đã ký kết, hai bên chia ranh giới theo chiều trục giữa của sông Quây Sơn, do đó mỗi bên tự do tham quan trong giới hạn một cách hữu hảo và khá thân thiện. Nhìn từ phía Việt Nam, dòng thác trông đẹp hơn với những thửa ruộng dưới chân thác là tiền cảnh cực kỳ ấn tượng khi ngắm nhìn và chụp ảnh dòng nước trắng xoá tuôn trào từ trên núi xuống.
Cái đẹp cổ tích của nhịp sống
Đơn giản nhất để trở về thủ phủ là quay về theo đường Trùng Khánh. Song, với những lữ khách có máu phiêu du, nên tìm đường ven biên giới có tên Tổng Cọt – Trà Lĩnh để trải nghiệm cảnh sắc hoang sơ vùng biên ải. Xa hơn nhưng xứng đáng hơn, bởi thị tuyến sẽ được mở bung với các dãy núi trập trùng, những bình nguyên rộng và bản làng người Tày, Nùng hiền hoà nép dưới bóng núi xanh.
Địa hình núi đất tuy không hùng vĩ như bên Hà Giang, nhưng lại có sự độc đáo của vùng đất pha đá, từ đó tạo nên những thửa ruộng nhỏ chuyên dùng ngựa kéo cày, những bờ tường xếp đá và nhà cũng là tường xây đá, lợp mái âm dương, nhỏ xinh như cổ tích. Thú vị nhất là các cây rơm.
Không tròn trịa như cây rơm của đồng bằng Bắc bộ mà thẳng đứng, thanh mảnh, xếp thành hàng ngoài vườn hay cạnh nhà. Sống giữa núi mà ý thức về thẩm mỹ hay tiện dụng đã khiến cư dân của vùng biên giới, có lẽ cả đời ít khi rời khỏi quê hương, có thể tạo nên những hình khối đẹp như vậy: ngay hàng thẳng lối hoặc đều chằn chặn, hoặc cao thấp như hình tượng của cha mẹ, con cái trong một gia đình.
Từ Trà Lĩnh về địa phận kề cận Pắc Bó con đường chợt nhỏ lại, quanh co trên các sườn núi cheo leo, cao vút tới trời xanh rồi lại dốc tuột xuống mặt đất, đôi khi hàng chục cây số không gặp một cụm dân cư; chỉ thấy miên man những nương ngô, vườn đậu, thảm cỏ xanh trải dài.
Đôi lúc cảm thấy mạo hiểm với những khúc đường sạt lở, cũng không khỏi hoang mang khi phải đứng trước ngã ba mà không gặp một ai để hỏi đường, song nổi trội nhất vẫn là phong cảnh hùng vĩ của một vùng biên giới, nơi cư dân chân chất hồn hậu và mỗi địa danh đều gợi về sự bình yên.
Du lịch, GO! - Theo Thái A (SGTT Media)
Link to full article
No comments:
Post a Comment