Mất chừng 10 phút xuồng máy là có thể đặt chân lên “Hoa Quả Sơn”. Nơi đây có trên một ngàn gã “tề thiên”, trước có tên là hòn Lao, giờ được khoác thêm tên gọi mới: Đảo Khỉ, cách TP.Nha Trang 15 cây số về phía bắc. Tôi là một trong số trên 120 ngàn lượt du khách ghé thăm hòn đảo này mỗi năm.
Anh xà ích Phạm Văn Bình, vừa giục khách lên xe ngựa để “cưỡi ngựa xem... khỉ” quanh đảo, vừa nhắc chừng: “Không nên nhìn chằm chằm vào mặt tụi nó (tức lũ khỉ), cũng đừng chỉ trỏ gì vào chúng, phiền lắm”.
Hỏi sao phiền, anh Bình giải thích thêm: “Lũ khỉ cũng giống người, nó ghét những kẻ tọc mạch, dù chúng là “vua” tọc mạch, cũng không ưa một ai nhìn chúng bằng vẻ tò mò, dù chúng cũng là “vua” tò mò. Nhiều khách du lịch bị chúng lao vào “cướp” rồi đấy”. Tôi cẩn thận thu chiếc máy ảnh vào sát người, đồng thời cảnh giác từ nhiều hướng khi đàn khỉ từ trong hóc háy của đủ thứ loại cây lao ra “kính chào quý khách”.
Từ “nghiên cứu” sang “mua vui”
Ông Võ Đức Tuấn - quản đốc đảo Khỉ - nhớ lại quãng thời gian từ hơn 20 năm trước: “Thời còn Liên Xô, hòn Lao được dùng làm nơi nuôi khỉ để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học. Gần như cả hòn đảo này được giao trọn quyền cho người Liên Xô cai quản. Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, đàn khỉ chừng 200 con bước vào giai đoạn “bơ vơ”.
Tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận đàn khỉ trong tình trạng “không biết để làm gì”, bỏ thì thương mà nuôi chúng vừa tốn kém, lại vừa không có mục đích rõ ràng. Đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước, tỉnh bàn giao cho Cty Khatoco cai quản. Cũng xin nói thêm là, từ năm 1991 - 1995, thi thoảng cũng có một vài đoàn khách ghé thăm hòn Lao, chỉ là đến thăm hòn đảo có một không gian thoáng đãng và ngồ ngộ vậy thôi.
Thế nhưng, khi đặt chân lên đảo rồi, cuốn hút họ không chỉ là cảnh trí nên thơ nơi này, mà còn có thêm một thứ đáng để xem nữa - đó là đàn khỉ, chúng sống giữa thiên nhiên một cách tự do không xiềng xích, lại quần cư bầy đàn, điều này khác xa với những chú khỉ riêng lẻ, thường bị cùm chân vì sợ mất.
Ý tưởng duy trì và phát triển đàn khỉ để phục vụ khách du lịch bắt đầu manh nha từ đó”. Thế là, bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, trong các tour mà du khách đến Nha Trang - Khánh Hòa lại có thêm một địa chỉ mới: Hòn Lao - đảo Khỉ.
Với diện tích 35ha giữa biển, cách đất liền không quá xa để những ai say sóng phải ngại ngần, lại có một quả đồi được viền quanh bởi vô vàn những mỏm đá với nhiều hình thù kỳ quái, cây cối ở đây um tùm quanh năm, hòn Lao thật sự là “Hoa Quả Sơn” của đàn khỉ, nơi có thể mang lại những nụ cười cho bất cứ ai mỗi khi thâm nhập vào thế giới của “Tôn Hành Giả”.
Đây là hòn đảo duy nhất ở Việt Nam có đàn khỉ đông đến cả ngàn con, chỉ để làm một việc là “mua vui” cho khách tham quan.
Những kẻ giang hồ
Khi khách đã ngồi yên trên xe, anh Bình xà ích ra hiệu cho con Jemmi - tên chú ngựa - bằng một “khẩu lệnh” nửa như huýt gió, nửa như gọi lũ cún con. Chú ngựa ngoan ngoãn rời “bến” bằng những bước chân khoan thai. Những hạt đậu phụng chiên giòn lăm lăm trong tay du khách, vẫn không quên lời dặn dò ban nãy của người xà ích: “Cứ để những hạt đậu trên tay một cách tự nhiên, xòe tay ra, không được nắm chặt vì lũ khỉ sẽ nghĩ mình giành thức ăn với chúng, phiền lắm”. Lại phiền! Chơi với người đã phiền, chơi với khỉ cũng phiền. Nhưng đó chỉ là lời cảnh báo có tính “ngăn ngừa tội phạm” mà thôi.
Nghe tiếng xe ngựa lộc cộc dọc đường “làng”, lũ khỉ từ trong hang hốc, cây cối ùa ra. Anh Bình xà ích thuyết minh: “Đây là khu vực của khỉ giang hồ”. Hỏi sao lại gọi giang hồ, anh Bình giải thích: “Là những con khỉ bị hất ra rìa của cuộc chơi bầy đàn sau những xung đột nội bộ. Bọn này lủi thủi “ra riêng”, chúng hình thành một khu mới, nơi tập trung những tên thất lỡ, lại không có người chỉ huy nên mạnh ai nấy sống.
Làm phiền du khách nhất, để lại “tai tiếng” nhất cho du khách là đám giang hồ cộm cán này. Chúng có thể “cướp” cả điện thoại di động, xông vào giật túi du khách nếu chúng... thích”.
Sau những cuộc giành giật “gái đẹp” ở các nhóm mà bị thua cuộc, những con khỉ sa cơ tự tách khỏi đàn. Chúng trở thành “người thừa” trong thế giới khỉ và nhanh chóng gia nhập vào đội quân giang hồ. Lại cũng có những con khỉ già, không còn khả năng sinh sản nữa, chúng cũng tự biết mình không thể “hòa nhập cộng đồng” nên nhập ngay “hộ khẩu” vào khu giang hồ. Đám này chỉ mang tiếng xấu chứ không còn khả năng quậy phá như lũ trai tơ.
Trong khu giang hồ này, lại cũng có những chú khỉ mồ côi từ bé. Không được cha mẹ nuôi nấng, sống nhờ vào của bố thí của du khách, đám mồ côi chọn nơi đây để dung thân. Một trong những chú khỉ mồ côi đáng yêu nhất có tên là Chít - tên do anh Bình xà ích đặt cho.
Anh Bình kể rằng, cách đây 3 năm, tình cờ anh phát hiện con Chít trong một gốc dừa khô. Có lẽ mẹ nó vừa qua đời cách đó không lâu. Nó cứ lủi thủi một mình, hằng ngày đi nhặt “của rơi” từ đám giang hồ nghịch tử bỏ lại sau khi đã ăn chán chê. Từ đó, anh thường “ưu tiên” những túi đậu ngon nhất cho con Chít. Bén tiếng quen hơi, Chít thành người bạn thân thiết của Bình mỗi khi xe ngựa anh lăn bánh qua khu vực giang hồ này.
Thấy xe Anh Bình, Chít nhảy phóc lên ngồi ở càng xe, tay nhanh chóng đưa về phía “bạn Bình” để nhận quà. Đi một quãng, Chít đột nhiên rời càng xe và không quên ném cho “bạn Bình” một nụ cười biết ơn buổi sáng. Anh Bình nói rằng, con Chít phải rời xe là vì nó biết, “biên giới” của nó đến đó là dừng, nếu xâm phạm vào đất người khác, nó sẽ bị xua đuổi ngay. Thì ra trong thế giới giang hồ của lũ khỉ cũng chẳng khác thế giới người là mấy - cũng có kẻ “du côn” trộm cắp, nhưng cũng có kẻ vì số phận đưa đẩy, luôn khao khát “làm người lương thiện”.
Khu “thái giám”
Trong 4 khu vực mà đàn khỉ lưu trú, có một “xóm” khỉ sống rất quy củ, nhưng thủ lĩnh của chúng lại là một “quan thái giám” - điều rất khác với các nhóm còn lại, thường là những “đại ca” đầy chất nam tính mới được cai quản chị em. Theo lời kể của người quản đốc đảo Khỉ, vị “quan thái giám” này sống qua hai “chế độ” - thời Liên Xô cũ và thời nay.
“Hắn có thể nói hai thứ tiếng Nga và Việt đấy” - anh Bình xà ích hài hước. Anh Bình kể rằng, trong một lần giành giật người đẹp để trở thành “đại ca” của đàn, anh chàng khỉ này bị đối phương tấn công trúng chỗ hiểm, từ bấy anh thành gã tu hành, “ngủ chay” suốt mấy chục năm nay. Lẽ ra anh này sẽ bị tống khứ khỏi đàn như bao kẻ thua cuộc, gia nhập nhóm giang hồ, nhưng tất cả chị em nhà khỉ “biểu quyết” để anh ở lại và tôn làm thủ lĩnh suốt đời. Hằng ngày, khỉ thái giám chỉ trông đàn con cho chị em và xua đuổi những kẻ lạ mặt đột nhập vào “xóm” quấy quả chị em.
Đây là trường hợp làm “thủ lĩnh suốt đời” duy nhất ở đảo Khỉ này, vì trong thế giới loài khỉ, chưa hẳn hôm nay anh thắng đối phương, anh sẽ làm đại ca mãi mãi.
Nhiều con khỉ sau khi thua cuộc, nhập băng giang hồ, ngày đêm luyện “khí công” phục hận. Có con đã tái xuất giang hồ, giành lại ngôi vương đã mất từ tay đối phương. “Làm thủ lĩnh phải vừa thể hiện sức mạnh của con đực, nhưng cũng vừa sẵn sàng ra trận trước tiên để bảo vệ bầy đàn của mình. Nếu không đáp ứng hai yêu cầu đó, lập tức sẽ bị phế truất ngay” - anh Bình thuyết minh.
Sau một ngày làm khách của “Hoa Quả Sơn”, tôi ngẫm một điều, thế giới của loài khỉ chẳng khác thế giới loài người là mấy, cũng ái ố hỉ nộ đủ cả.
Tính trật tự của cộng đồng loài khỉ, sự phồn thịnh của bầy đàn chỉ có thể tồn tại một khi chúng tìm ra vị thủ lĩnh có đủ năng lực thực sự để chỉ huy mình chứ không phải là kẻ “ăn may” nhờ trò láu cá, dù khỉ là loài “láu cá” nhất trên đời.
Du lịch, GO! - Theo Trà Ban (báo Lao Động), internet
Link to full article
No comments:
Post a Comment