Tuesday, July 10, 2012

Thăm tộc người 100 hộ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Chị Ngọc Minh - người phụ nữ trung niên, có giọng nói trong vắt đầy ma lực, đôi chân dài leo núi thoăn thoắt như gái bản, tình nguyện đưa tôi xuống Chúng Chải. 
Chị Minh được mệnh danh là “người con của núi”, đã hơn 20 năm lăn lộn ở miền đất này. Chị từng là trưởng phòng văn hóa huyện Xín Mần, vì yêu thích nghiên cứu văn hóa các dân tộc ít người nên xin nghỉ chế độ sớm để đi bản, nhằm hoàn thành những công trình còn dang dở.


Những người con của núi

Lục tìm trong tư liệu quý của mình, chị Minh khoe: “Tôi sẽ viết về đồng bào dân tộc ít người sinh sống trên quê hương mình. Công trình mà tôi đặc biệt quan tâm chính là đồng bào dân tộc Phù Lá. Cho đến nay, người Phù Lá trên cả nước chỉ có khoảng hơn 100 hộ dân.

Sinh sống chủ yếu ở các bản nhỏ, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn – Tây Côn Lĩnh, bao gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Trong đó, bản Chúng Chải, xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần, (Hà Giang) được xem  như cái “nôi” của người Phù Lá của nước  ta, với hơn 50 hộ dân sinh sống”.

Từ trung tâm huyện Xín Mần, chúng tôi đi hơn 50km nữa mới đến bản Chúng Chải. Nhiều đoạn đường  dường như mới chỉ nổ mìn phá núi, san ra lấy mặt phẳng. Hơn 10km đường rẽ vào Chúng Chải, với chúng tôi thực sự là một cuộc vật lộn. Ngày chợ đường biên mốc 5, từng tốp người dân tộc La Chí, Phù Lá... đi chợ về. Lưng họ còng xuống vì những quẩy tấu đựng đầy hàng hóa, nặng trĩu.

Ông Giàng Mìn Xèng, Trưởng bản Chúng Chải sang năm mới sẽ tròn 50 tuổi. Ông là con cưng của Chúng Chải, được coi là giỏi giang, hoạt bát hơn người. Bằng chất giọng lơ lớ, chưa sõi tiếng phổ thông, ông Xèng lan man kể chuyện: “Tao làm cán bộ xã nhiều quá nửa số tuổi của mình rồi, nhưng chưa bao giờ phải xuống bản của người Phù Lá để giải quyết mâu thuẫn gia đình. Người dân tộc Phù Lá không bao giờ cãi, chửi nhau! Ốm đau thì đi bệnh viện, không nhờ thầy cúng  đâu”.

Tết của người Phù Lá gần giống với người Kinh.  “Ngày Tết chúng tao cũng có bánh chưng,  gạo nếp nương  làm bánh chưng thì ngon phải biết. Nhà nào nghèo, được nhà giàu chia bớt thịt lợn, gạo nếp. Dân tộc Phù Lá để thức ăn lên bàn thờ, cúng ông bà, tổ tiên vào ngày mồng một Tết. Những ngày sau đó mặc đẹp để đi đến nhà anh em, họ hàng thăm hỏi nhau và uống rượu. Tao cũng tranh thủ ngày Tết, đến từng nhà nói tâm sự với “chúng nó”, bảo không đẻ nhiều con, phải cho trẻ con đi học đầy đủ nhé!” ông Xèng kể:

Ông Xèng đứng trên mảnh nương trước nhà mình, chỉ ra bãi đất rộng tên là Xín Chải và nói: “Đây là chỗ sinh hoạt văn hóa, nơi giao lưu của những anh em dân tộc Phù Lá, La Chí, Tày, Nùng và dân tộc Mông… Những ngày xuân , cán bộ xã cho làm chiếc đu lớn lắm, trai gái của bản kéo nhau ra đó giao lưu, tự tình. Nhiều đôi yêu nhau, lấy nhau cũng từ bãi Xín Chải đấy cán bộ à!”.

Ông Lý Đình Quý, Phó Bí thư xã Nàn Xỉn, là người con của dân tộc La Chí cũng tự hào khi kể về những người Phù Lá ở Chúng Chải. “Bà con các dân tộc trong xã Nàn Xỉn tuy còn nghèo, nhưng tình đoàn kết thì không có ở đâu bằng. Nhà có việc, cả bản sẵn sàng xắn tay giúp đỡ nhau. Đồng bào Phù Lá có đặc tính đoàn kết cao hơn những người dân tộc khác. Họ tự may quần áo, tự tay thêu những hoa văn rất tinh tế lên trang phục của mình. Con trai, con gái Phù Lá không có ai tảo hôn, ép hôn càng không”.

Khao khát một con đường

Qua Tết Nguyên đán 1 tháng sẽ đến lễ hội “cúng thần rừng” của người Phù Lá. Ông Xèng bảo: “Cái Tết này là quan trọng nhất đây. Từ xưa, chính quyền xã cùng nhân dân tập trung ở một khu rừng cấm trên sườn núi. Cử ra một người ăn mặc theo nghi lễ, cúng “thần rừng”, cầu mưa thuận gió hòa... Nó quan trọng nhất bởi để kết nối mọi người lại với nhau. Bà con Phù Lá dù mang họ khác nhau, nhưng dứt khoát là anh em chung một ngôi nhà lớn có tên là Chúng Chải”.

Xong buổi “lễ cúng rừng” đầy màu sắc huyền bí, trang nghiêm, họ nhắc nhau phải biết trồng rừng, bảo vệ rừng. Đặc biệt, trong ngày cúng rừng và 3 ngày sau đó, người Chúng Chải không ai được phép chặt cây, hái rau, làm nương... Họ quan niệm rằng, làm thế là phản bội lại lời hứa đối với “thần rừng”, lễ cúng  rừng sẽ không linh thiêng nữa.

Theo ông Quý: “Xã Nàn Xỉn có 8 thôn bản sống rải rác trên độ cao 2.000m so với mực nước biển. Thời tiết khắc nghiệt nên tỉ lệ đói nghèo của bà con nơi đây cao nhất huyện. Bản Chúng Chải cũng nằm trong diện đói nghèo, cần được cứu trợ. Cán bộ cứ nghĩ xem, con đường hơn 10km đi vào xã Nàn Xỉn bao nhiêu năm nay chưa làm được, đi lại khó khăn như thế? Bà con không nghèo sao được? Cán bộ dưới xuôi, thầy cô giáo cắm bản... lên đây, trụ lại được phải có một tấm lòng cao hơn ngọn núi Gia Long kia”.

Tôi thấy lòng nặng trĩu, khi nghe tâm sự của bà Sùng Thị Lình, vợ Trưởng bản Giàng Mìn Xèng. “Ở trên núi mới thấu hiểu được tiếng thác lũ thượng nguồn ào ạt, ập đến vào mùa mưa đáng sợ đến thế nào? Mùa màng theo dòng lũ mà cuốn trôi về xuôi hết, chỉ còn lại đất đá chơ vơ, bạc màu. Những cơn gió mùa đông dài lê thê, rít gào hun hút trên mái nhà hằng đêm. Rồi chưa kể, năm nào trời không “ưng bụng”, mưa nhiều làm đất đai cạn kiệt, không có cây gì trụ nổi. Đến mùa khô, đi cả ngày cũng không tìm ra được giọt nước nào? Ở Chúng Chải, đêm nào cũng rét căm căm, sương muối trút xuống từng tảng, chẳng cây gì mọc nổi, bà con nghèo, đói cũng phải thôi” – bà Lình nói.

Còn ông Xèng lạc quan: “Nghèo mỗi năm giảm đi được một chút rồi đấy. Năm nào thiên tai khắc nghiệt, mất mùa thì tỉ lệ nghèo mới cao. Nhưng cái quan trọng nhất là bà con rất đoàn kết, thương yêu nhau.

Cuộc sống mà cứ được cười suốt ngày, biết đùm bọc lẫn nhau thì nghèo chẳng nề hà đâu. Tao đố cán bộ đón được bà con Phù Lá về xuôi ở được 1 tháng đấy, chắc chắn “nó” không chịu được đâu. Người Phù Lá, sống phóng khoáng quen rồi”.

Ông Xèng lúc nào cũng cười nói oang oang, ngay cả lúc ở trong nhà. “Tao ở trên núi, phải nói to quen rồi. Cứ đứng từ đỉnh núi bên này, gọi người ở đỉnh núi kia, tập trung họp lại, nghe cán bộ truyền đạt thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước... mãi  rồi nói to lúc nào không biết?”.

Sắp chia tay, ông Xèng nói với chị Ngọc Minh: “Cán bộ về huyện, nhớ nhắn với ông chủ tịch làm cho Chúng Chải một con đường tử tế nhé. Chúng Chải bây giờ đã có người đủ tiền mua xe máy để không phải dậy từ 3 giờ sáng xuống chợ phiên nữa”.

Đứng từ Chúng Chải cao xanh, trên đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, tôi thấy mình nhỏ bé. Gió chiều lồng lộng thổi, đám sa mộc nghiêng ngả. Lúc chúng tôi sắp rời Chúng Chải, có 2 người phụ nữ lạ mặt từ Bắc Hà sang chơi. Hỏi ra mới biết, họ cũng là người dân tộc Phù Lá, có mẹ lấy chồng sang huyện Bắc Hà – Lào Cai. Người Phù Lá là vậy, dù ở bất kỳ đâu vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.

Du lịch, GO! - Theo Thu Trang (Báo Gia đình & Xã hội)

Link to full article

No comments:

Post a Comment