Theo Tỉnh lộ 623B từ thành phố Quảng Ngãi về hướng tây khoảng 20 cây số, rẽ vào hướng nam khoảng hơn mươi phút chạy xe nữa là du khách đã đến địa phận xã Nghĩa Sơn - một xã giàu truyền thống cách mạng của huyện Tư Nghĩa.
Nơi đây, cộng đồng người dân tộc Hrê sống hiền hoà dưới những nếp nhà nằm rải rác ven một dòng suối lớn, bốn mùa rì rào dòng nước trong xanh, tưới mát cho những thửa ruộng bậc thang chạy uốn lượn theo những sườn núi thấp. Đấy là suối Lâm.
Để thưởng ngoạn nét độc đáo của suối Lâm, du khách sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình thêm mấy cây số nữa bằng xe máy. Để xe lại nơi đầu dốc, du khách bắt đầu chuyến du lịch khám phá bằng một cuộc leo núi ngược lên đầu nguồn của con suối.
Gọi là leo núi, nhưng thực chất là đi bộ qua một con dốc nhỏ chừng vài mươi phút đường rừng. Đầu nguồn suối Lâm đã hiện ra trước mặt khách, một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Một dãy núi cao, sừng sững uy nghiêm với những cây cổ thụ già nua trầm mặc soi bóng xuống dòng suối xanh chảy len lỏi qua những phiến đá được bào mòn qua năm tháng (ảnh). Du khách như đắm mình trong cái hoang dã của thiên nhiên.
Suối Lâm được bắt nguồn từ huyện Minh Long, chảy qua dãy núi cao và xuyên qua những khu rừng già được nhân dân địa phương ở đây bảo vệ rất nghiêm ngặt. Vì thế, dòng suối được những cây cổ thụ già nua chắt chiu từng giọt nước. Hiền hoà tưới tắm cho những thửa ruộng vùng cao. Vào mùa khô, ở ngoài kia nhiệt độ có thể làm cho du khách bức bối nhưng khi vào đến đây, dòng suối như một cái máy điều hoà nhiệt độ khổng lồ xua tan hoàn toàn cái nóng bức.
Đến đây du khách có thể thư giãn bằng nhiều cách. Có người lại thích thú lần theo những tảng đá để đi ngược dòng suối, khám phá vẻ đẹp của đầu nguồn. Có người lại ngâm mình vào những vực nước sâu mà tung tăng lặn ngụp, tận hưởng cái mát lạnh của dòng nước suối. Có người lại thích thú đi ven dòng suối, sục vào các kẽ đá để tìm những con ốc đá đen nhánh, có người với cái kính lặn và khẩu súng bắn cá tự chế để sục tìm từng con cá suối để chuẩn bị cho bữa trưa. Có người lại mắc võng dưới tán lá rừng, nằm đong đưa thả hồn lãng đãng với những vòm lá xanh miên man, bất tận.
Buổi trưa, những món ăn được bày ra trên những chiếc lá chuối rừng. Ngoài những món đem theo, còn có món ốc đá và cá suối nấu với rau min (tầm phục) du khách tự tìm lấy. Húp chén canh ngọt mát, cắn miếng ốc đá sậm sật ngọt thanh nơi đầu lưỡi dưới tán lá rừng mát lạnh, nghe tiếng nước róc rách của dòng suối mà lòng du khách như thăng hoa, bao muộn phiền của cuộc sống thường nhật gần như tan biến.
Du lịch, GO! - Theo Nho Vũ (báo Quảng Ngãi), internet
Link to full article
No comments:
Post a Comment