Sunday, July 1, 2012

Ngỡ ngàng màu xanh Trường Sa

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Đến Trường Sa bây giờ có thể cảm nhận được nhiều đổi thay. Nhưng thay đổi đầu tiên mà những người ở đất liền đến với đảo cảm nhận là màu xanh của cây cối. Nhìn từ xa vào mỗi đảo, màu xanh của cây cối trong đảo đã làm chúng tôi mát mắt sau nhiều giờ nắng và mênh mang trên biển khơi.

(ICTPress) - Đến Trường Sa bây giờ có thể cảm nhận được nhiều đổi thay. Nhưng thay đổi đầu tiên mà những người ở đất liền đến với đảo cảm nhận là màu xanh của cây cối. Nhìn từ xa vào mỗi đảo, màu xanh của cây cối trong đảo đã làm chúng tôi mát mắt sau nhiều giờ nắng và mênh mang trên biển khơi.

Đảo Trường Sa Đông

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Đảo chìm” và là người lính tại đảo chìm Thuyền Chài gần 30 năm về trước, lần thứ 3 quay lại đảo đã liên tục thốt lên: “Ngạc nhiên! Quá ngạc nhiên!”. Ông cho biết trước đây cây cối rất ít. Cây bão táp cằn thì khô, không được nõn nà, rất đẹp như thế này. Ông nhớ bóng râm rủ xuống đảo trước đây là bóng của người lính. Bây giờ trở lại, Trường Sa mát mẻ, trù phú như công viên sinh thái. Cây cối mỡ màng. Không khí rất trong lành, rất thích.

Ngồi dưới tán cây phong ba rủ gần chạm mặt đất ở đảo Trường Sa lớn, chúng tôi có thể nhận thấy màu xanh của đảo qua cả bờ tường gạch bây giờ đã có rêu. Có rêu chứng tỏ độ ẩm ướt tốt. Thật thú vị, khi chúng tôi đang ngồi thì một trận mưa đổ xuống bất ngờ nhưng không phải di trú bởi trận mưa nhanh ở Trường Sa hầu như không lọt xuống những tầng tầng lớp lớp lá cây ken dầy. Trận mưa ào ạt, cuồng nhiệt trong chốc lát nhưng tắt ngay và nắng bừng lên. Những tán cây, những chiếc lá xanh như phát sáng.

Nhìn xa hơn, chúng tôi bắt gặp những dậu mồng tơi xanh đến mướt dù đã ở vào thời điểm cuối mùa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa lại hóm hỉnh “Lính đảo giờ đẹp trai hơn nhiều, chắc chắn, không “mọt” ra được”. Phải chăng không mọt ra được là nhờ có rau xanh ở đảo giờ đây đã tương đối đủ.

“Thật tuyệt vời, như trong cõi mộng không phải thật như thế này. Không tưởng tượng được Trường Sa như thế này. Một Trường Sa mát mẻ và ẩm ướt. Đấy là điều rất lạ”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa như không dứt khỏi cảm xúc.

Nói về màu xanh Trường Sa, nhà báo Trần Bình Tám, người trở lại với Trường Sa lần thứ hai sau hơn 10 năm đã cho biết màu xanh của Trường Sa là màu xanh của phong ba, của bàng vuông, tra, dừa, muống biển… nhưng màu xanh mát nhất, ấm áp nhất, đối với anh là màu xanh của các loại rau ăn là mồng tơi, rau cải, rau muống, rau dền, và một số loại rau thơm người lính Trường Sa đã trồng được như húng, mơ, ngải cứu, rau dăm… bởi nó gợi nhớ đất liền.

Vườn rau phải xoay theo chiều sóng và chiều gió khắc nghiệt theo hai mùa trong năm ở đảo An Bang

Ở tất cả các đảo chúng tôi qua, rau xanh đã hiện diện khắp nơi. Rau trồng nhiều nhất là mồng tơi, cải, rau muống, bầu và có những lá rau mập mạp to bằng cả hai bàn tay như mồng tơi, cải và cao đến cả nửa mét như rau muống ở Đảo Phan Vinh, đảo đá chìm Núi Le… Đảo nổi An Bang là đảo duy nhất trong những đảo chúng tôi đến thăm là đảo thừa rau ăn nhưng trồng rau ở đảo này cũng chẳng dễ dàng. Đảo trưởng đảo An Bang Đinh Thế Hào, người Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết để có những vườn rau xanh mướt và dàn bí quả to tròn, ngay ngắn, tăm tắp như thế này các chiến sỹ đã phải xoay vườn rau theo chiều sóng và chiều gió khắc nghiệt theo hai mùa trong năm, kiểu khắc nghiệt của riêng đảo An Bang.

Ở các đảo chìm, trồng rau cũng vô cùng khó khăn do địa hình eo hẹp, không có cây to để che nắng, nhưng những cây rau xanh vẫn vươn mình đầy sức sống trước gió và nắng. Ấn tượng là nhiều đảo chìm một năm đã tăng gia được gần 3000 kilogram rau như Đảo Núi Le, Đảo Thuyền Chài. Để bảo vệ những vườn rau nhỏ kiểu babilon, những chậu rau sam, ớt… các chiến sỹ đã sáng tạo ra cách che chắn nắng, gió, trồng xen, lật đất... Tôi ngạc nhiên giữa trời nắng chang chang nhưng đất trồng rau vẫn luôn được giữ được độ ẩm ướt vừa đủ.

Đến với đảo chìm Đá Tây, ấn tượng màu xanh là cây xương rồng cao chạm trần nhà, vừa nở bừng hoa trắng muốt và rực rỡ. Anh Hoàng Văn Sinh, chiến sỹ ở đảo Đá Tây đã cho chúng tôi biết cây xương rồng này đã được các chiến sỹ ở đảo chăm chút được 10 năm rồi và mới trổ hoa mùa đầu tiên.

Chúng tôi đều hiểu rằng, để có được những màu xanh nhỏ bé này chính là sự cố gắng bền bỉ, không ngừng của những người lính đảo. Các anh đã chắt chiu thời gian để phủ xanh đảo trống, những không gian có thể để hôm nay chúng tôi đặt chân đến thật gần gũi, như đang ở đất liền.

Cây xương rồng trên đảo Đá Tây nở hoa mùa đầu tiên

Với mong muốn gửi cảm xúc về màu xanh Trường Sa, một người bạn không phải là nhà báo của tôi trong chuyến đi này cho biết là bạn cúi đầu cảm phục trước sức sống của Trường Sa. Sức sống mãnh liệt không chỉ ở những đảo nổi như Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông hay đảo Phan Vinh, mà cả những đảo chìm cũng đã để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc - ấn tượng về màu xanh của thiên nhiên từ những hàng cây, luống rau, ngọn cỏ…

Trường Sa nay cũng đổi thay nhiều nhờ dự án năng lượng điện nhờ gió và nắng. Quân và dân huyện đảo nay đã có điện sử dụng 24/24 giờ. Tuy nhiên, với thời tiết quá khắc nghiệt như ở Trường Sa, đầu tư phát triển năng lượng sạch tại các đảo cần được quan tâm hơn nữa, đặc biệt là cần nghiên cứu những thiết bị có thể khắc phục được nhược điểm về điều kiện môi trường như độ ẩm cao, hơi nước biển mặn… dễ làm hỏng các thiết bị.

Xử lý rác thải, phân loại rác tại các đảo có người dân ở cũng nên dần được quan tâm để Trường Sa ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Dưới đây xin “chiêu đãi” những hình ảnh màu xanh đến ngỡ ngàng ở Trường Sa.

Màu xanh ở Trường Sa lớn
Vườn rau babilon ở các đảo chìm
Vườn bầu ngay ngắn ở Trường Sa Đông
Trồng rau cải ở Trường Sa Đông

Lan Phương

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Link to full article

No comments:

Post a Comment