Tuesday, June 26, 2012

Những địa danh nên khám phá ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Bà Rịa - Vũng Tàu là một quần thể thiên nhiên hài hoà, sơn thuỷ hữu tình, với không khí trong lành, mát mẻ vừa có núi, rừng, biển… 
.
Đến đây, du khách được tận hưởng những giờ phút thư giản với biển trời lộng gió, tham quan những di tích, danh, thắng và thưởng thức nhiều món ăn đặc sản đậm đà hương vị biển.

Vào dịp hè này, du khách có thể chọn cho mình chuyến du lịch biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Khởi hành từ TP.HCM đến thị xã Bà Rịa, du khách điểm tâm bằng một món ăn đã nổi tiếng của người dân địa phương chế biến từ những thực phẩm quê nhà “Bánh canh Long Hương”, có nhiều lựa chọn phù hợp với sở thích du khách: bánh canh giò, nạc, que, xương ống, móng… hương vị rất đặc biệt, mang đậm nét quê hương. Hoặc đến cầu Cỏ May thưởng thức món ăn dân dã khá nối tiếng là “cháo hàu” (Quán Nghĩa).

Vũng Tàu là một TP ven biển, bờ biển trải dài 20km, với những bãi biển lý tưởng để nghỉ mát và tắm biển, du khách tắm biển tại Bãi Sau là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, với nét đẹp dịu dàng, rực rỡ, tận hưởng được cảm giác thoải mái khi đắm mình, vẫy vùng trong dòng nước mát.

Ở bãi này có khu rừng dương rộng với những cây phi lao cổ thụ, thấp thoáng những nhà nghỉ bằng gỗ theo kiểu nhà rông Tây Nguyên với đầy đủ tiện nghi hiện đại mà dân dã và những khách sạn, nhà nghỉ, những resort dọc theo bãi biển đạt chuẩn từ 2 đến 5 sao.

Hoặc du khách có thể tắm biển tại Bãi Trước, tắm ở bãi này sẽ tìm được cảm giác khó quên và lãng mạn đó là được ngắm mặt trời lặn dần trên bãi biển lúc hoàng hôn và bình minh vào buổi sớm mai. Dọc theo bờ biển là những hàng dừa, bên dưới là khu công viên đầy hoa dành cho du khách bộ hành.

Đến đây du khách nghỉ đêm tận hưởng những giây phút thư giãn tại các resort, các khách sạn từ 2 đến 4 sao với phòng ngủ được thiết kế sang trọng, hiện đại.

Là TP biển, thế mạnh ẩm thực của Vũng Tàu là hải sản, món ăn hải sản ở đây phong phú về chủng loại, đa dạng về giá cả. Buổi trưa, du khách dùng bữa trưa tại các nhà hàng nằm sát bãi biển như : Gành hào, Cây Bàng, Cô Nên…thưởng thức nhiều món ăn đặc sản biển như: cá chình, cá mú, tôm hùm, cua, ghẹ, hào, mực, bạch tuộc…tươi, sống phục vụ theo yêu cầu du khách.

Buổi chiều, du khách tham quan Bạch Dinh, dinh thự được người Pháp xây dựng năm 1898 dùng làm nơi nghỉ mát cho toàn quyền Pháp Paul Doumer được gọi là Villa Blanche, dân địa phương quen gọi Bạch Dinh. Sau này Vua Bảo Ðại và Nam Phương Hoàng hậu, Ngô Ðình Diệm, Ngô Ðình Nhu, Trần Lệ Xuân, Nguyễn Văn Thiệu... đều lấy nơi đây làm nơi nghỉ ngơi, giải trí.

Giờ đây, Bạch Dinh là một di tích kiến trúc suốt bốn mùa đắm mình trong nắng đẹp và gió biển, chìm ngập trong rừng hoa sứ trắng và cây giá tỵ, được Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dùng trưng bày và giới thiệu bộ sưu tập gốm sứ thời Nhà Thanh được vớt lên từ con tàu đắm tại vùng biển Hòn Cau (Côn Đảo) vào thế kỷ 17. Điểm tham quan tiếp theo là Hải Đăng Vũng Tàu nằm trên đỉnh Núi Nhỏ xây dựng năm 1907, năm 1911 xây dựng thành tháp tròn đặt trên đỉnh cao nhất của núi. Ngọn đèn Hải Đăng chiếu xa 35 hải lý, có kính viễn vọng để theo dõi tàu và hướng dẫn thuyền trên biển.

Buổi tối vào những ngày hè lộng gió, du khách khó quên được cảm giác thư thái, lãng mạn khi ngồi bên bờ biển, nhâm nhi ly rượu vang và ăn hải sản tươi sống ở những nhà hàng ven biển, hoặc thưởng thức lẩu cá đuối xứ biển quả là không đâu bằng, nồi lẩu nóng, vị chua của măng chua, vị ngọt và hơi dai của cá khiến cho hương vị món lẩu bình dân này trở thành đặc sản.

Du khách có thể dùng thêm các món: ốc len xào dừa, nghêu hấp, chem chem nướng mỡ hành…(các quán lẩu đường Trương Công Định).

Đêm đến, dọc bên đường Trần Phú, Quang Trung rực sáng với hệ thống đèn cao áp, những quán café tỏa sáng muôn ánh đèn đủ màu sắc. Du khách có thể thưởng thức café giải khát tại các quán nằm dọc theo con đường ven biển, ngắm Vũng Tàu lung linh sắc màu về đêm hoặc xem đua Chó (loại hình giải trí đặc sắc chỉ có ở Vũng Tàu) tại Sân Lam Sơn hay tham quan Chợ du lịch Vũng Tàu - ngôi chợ khang trang mới được xây dựng dành cho khách du lịch nằm ngay trên đường Thuỳ Vân.

Buổi sáng, du khách dậy sớm ngắm bình minh trên bãi biển, hoặc tắm biển buổi sáng sớm, dùng điểm tâm: các món ăn đặc sản nhưng mang một hương vị rất riêng của Vũng Tàu như: hủ tíu hải sản, bánh khọt tại các quán; Gốc vú sữa (đường Nguyễn Trường Tộ), Quán Cô Ba (đường Hoàng Hoa Thám), Cây hoa sữa, Cây sung, Quán 16A…(Ngã tư Nguyễn Trường Tộ-Hoàng Hoa Thám).

Rời Vũng Tàu trên đường đến vùng biển Long Hải, du khách ghé viếng Chùa Niết Bàn Tịnh Xá còn gọi là chùa “Phật Nằm” được xây dựng trên sườn Núi Nhỏ năm 1969, là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc hiện đại. Nổi bật là bức tượng “Phật Nằm” dài 12m, “Đại hồng chung” là chuông đồng cao 2,8m, chu vi 3,8m nặng 3,5 tấn, tương truyền những ai đến đây khấn vái cầu nguyện nếu dán mảnh giấy cầu an lên chuông sẽ được toại nguyện, tiếng chuông gióng lên, lời cầu nguyện sẽ đến được cõi phật và được hiển linh thành hiện thực. Ngoài ra, có chiếc thuyền rồng dài 12m, đó là con Thuyền Bát Nhã sẽ cứu vớt mọi người ra khỏi khổ ải.

Dọc theo đường ven biển du khách đến Long Hải tham quan Dinh Cô, một kiến trúc hoành tráng, in đậm màu sắc văn hóa dân gian, nằm trên sườn núi Kỳ Vân, bên bờ biển Long Hải; Mộ Cô được xây dựng kiên cố nằm trên mỏm đồi lộng gió ở bãi tắm Long Hải, du khách đến đây thắp hương cầu mong những điều tốt lành cho cuộc sống và thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình. Sau đó tắm biển bãi Long Hải, dùng cơm trưa tại nhà hàng Kiệt (tổ 18/1Ô 5 thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) thưởng thức các món ăn chế biến tại chỗ từ hải sản tươi sống được đánh bắt từ vùng biển Long Hải, Phước Hải. Điểm tham quan cuối của chuyến hành trình là thăm Căn cứ Cách mạng Minh Đạm, là di tích lịch sử cách mạng độc đáo của tỉnh BR-VT, trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Núi Minh Đạm được kết cấu tự nhiên bởi rừng cây xanh,dòng suối, hang đá… Năm 1948, cái tên Minh Đạm được gọi cho Núi này là tên của Bí thư và Phó Bí thư huyện ủy Long Điền (Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm) đã hy sinh tại đây. Khu tham quan bao gồm: Đền thờ 2642 vị anh hùng liệt sĩ và nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, nhà truyền thống và 4 hang: hang Huyện ủy, hang Huyện đội, hang thị xã cấp và hang Quân y…

Du khách đến thăm di tích được hướng dẫn viên vốn là chiến binh vào những năm 1969 chiến đấu tại đây thuyết minh và dẫn đường đến các hang tham quan. Kết thúc hành trình, du khách thưởng thức món bánh xèo Long Hải, nổi tiếng không chỉ vì có những bí quyết nghề nghiệp mà còn nhờ vào nguồn thực phẩm tươi nguyên mua của dân chài đánh bắt trong ngày tại vùng biển Long Hải, Phước Hải, Lộc An… mang về chưa ướp đá.

Đến Bà Rịa -Vũng Tàu, sau hai ngày tham quan, vui chơi, tắm biển…du khách có thể mua một vài kỷ vật làm từ vỏ sò, ốc (siêu thị mỹ nghệ Vũng Tàu, Chợ du lịch); các sản phẩm khô: cá, tôm, mực; nước mắm, mắm ruốc, mắm nêm ở siêu thị hải sản (460 Trương Công Định hoặc trung tâm thương mại Bà Rịa), cửa hàng mực ăn liền Văn Sen (42 Hoàng Hoa Thám); vài ký ghẹ, cua, tôm biển tươi (vựa hải sản Sao Mai, Bến Đá hoặc tại chợ Bà Rịa) về làm quà cho bạn bè, người thân và gia đình.

Du lịch, GO! - Theo Thi Vân (báo Du Lịch), ảnh internet

Link to full article

No comments:

Post a Comment