Hang Tốc Rù nằm ở phía Đông Bắc của Khu di tích Lam Sơn, thuộc xã Hồng Việt (Hoà An). Trong thời kỳ đầu vận động cách mạng, hang Tốc Rù là nơi in báo Cờ Đỏ (tiền thân của Báo Cao Bằng ngày nay), in truyền đơn của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng.
Năm 1932, phong trào cách mạng ở Cao Bằng phát triển mạnh. Nhận thấy tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền cách mạng, đồng chí Hoàng Đình Giong đã chỉ đạo Đảng bộ tỉnh Cao Bằng xuất bản báo Cờ Đỏ. Hoà An được chọn làm nơi đặt cơ quan in ấn của Đảng bộ Cao Bằng.
Ngày 1/4/1932, tại hang Tốc Rù, số đầu tiên báo Cờ Đỏ của Tỉnh uỷ Cao Bằng ra đời. Mỗi tháng báo ra hai kỳ, mỗi kỳ 60 tờ. Đồng chí Hoàng Đình Giong là chủ bút kiêm biên tập. Những người đầu tiên được giao in báo Cờ Đỏ là các đồng chí Lê Hai, Lê Lai, An Định, Thế Lực, Bích Giang, Thúy Bách là hội viên của tổ báo.
Công cụ để in là một chậu thạch đen hoặc thạch trắng nấu đặc, đôi khi phải dùng đất sét đổ khuôn in thay thạch khi thiếu. Thợ in viết bằng mực tím trên giấy, lật úp tờ giấy lên phiến thạch hay khuôn đất sét, chữ ăn vào đó, rồi lại đặt tiếp tờ giấy khác lên, tay vuốt nhẹ, lật tờ giấy lên là có một trang báo. Do in thủ công nên chỉ in được ít bản, tốn kém nhiều mà càng về sau chữ càng không rõ. Khi đồng chí Bích Giang sang Long Châu (Trung Quốc) mua được giấy nến về thay thế in thì việc in báo bước đầu được cải tiến. Sau mua được phiến đá, Báo Cờ Đỏ chuyển sang in litô thay thế in thạch và giấy nến. Báo in xong được cất giữ trong các ngách hang nhỏ cho đến ngày lưu hành.
Cùng với in báo Cờ Đỏ, các đồng chí còn in truyền đơn nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Nội dung của báo và truyền đơn là vạch trần tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân đấu tranh chống bắt phu, chống bắt lính và đòi thả tù chính trị. Báo Cờ Đỏ là tiếng nói của Đảng, kêu gọi đồng bào các dân tộc đoàn kết, đấu tranh dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Các chi bộ Đảng ở các địa phương trong tỉnh lấy báo Cờ Đỏ làm tài liệu tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Báo được xuất bản đều kỳ và liên tục để các cơ sở nắm sát tình hình chủ trương, đường lối của Đảng và để phong trào được thống nhất. Báo Cờ Đỏ không những được bí mật lưu truyền trong tỉnh mà còn lan rộng sang các tỉnh khác. Báo đã giúp cho Đảng bộ Cao Bằng củng cố về tổ chức và tư tưởng của đảng viên và quần chúng. Báo Cờ Đỏ được lưu hành đến năm 1935 thì ngừng xuất bản, do địch kiểm soát gắt gao nên nơi hoạt động bị lộ, cơ quan Tỉnh ủy phải dời đi nơi khác để giữ bí mật, các đồng chí trong tổ báo gặp nhiều khó khăn về vật chất.
Mặc dù thời gian hoạt động của báo không lâu nhưng báo đã giúp cho Đảng bộ Cao Bằng làm tài liệu tuyên truyền, vận động đảng viên và quần chúng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết vững bước đi lên trên con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Đảng đã vạch ra.
Ngoài việc in báo và truyền đơn, năm 1943, hang Tốc Rù còn là nơi chứa lương thực của nhân dân Hoà An đóng góp để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Năm 1995, hang Tốc Rù được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử cách mạng.
Du lịch, GO! - Theo Ngân Hà (web Caobang), internet
Link to full article
No comments:
Post a Comment